VÌ SAO CƠ THỂ CHÚNG TA CẦN CANXI?

VÌ SAO CHÚNG TA CẦN CANXI?

Canxi là một chất khoáng mà cơ thể cần với hàm lượng lớn (tính bằng đơn vị mg mỗi ngày) nên được xếp vào nhóm khoáng đa lượng. Canxi tập trung chủ yếu ở xương và răng với vai trò xây dựng và duy trì cấu trúc xương và răng. Một lượng nhỏ canxi (khoảng 1%) trong huyết tương và dịch ngoại bào nhưng lại có vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo chức năng sinh lý bình thường của cơ thể.

Tạo xương

Canxi là thành phần quan trọng nhất để hình thành nên một khung xương chắc khỏe. Sau khi khung xương hình thành đủ dài và rộng thì bắt đầu trở nên rắn chắc nhờ vào quá trình lắng đọng các chất khoáng (canxi phospho và magie) vào trong xương. Vì vậy, việc cung cấp đầy đủ canxi trong quá trình trưỏng thành, nhất là giai đoạn dậy thì, sẽ tạo nên một khung xương chắc khỏe, đạt được chiều cao tối đa và giảm 50% nguy cơ gãy xương cho những năm sau cuộc đời. Nếu trong giai đoạn này, cơ thể không được cung cấp đủ canxi thì bạn rất có thể có nguy cơ cao bị loãng xương trong tương lai. Các biểu hiện sớm thường thấy như đau nhức xương, nặng hơn thì  xương sẽ bị lún, mòn gây cong vẹo cột sống, gù còng, đồng thời, xương sẽ giòn, dễ vỡ, dễ gãy hơn khi va chạm và sẽ khó phục hồi hơn nếu bị gãy.

Tạo răng

Nền tảng để tạo nên mầm răng chắc khỏe cho trẻ là mẹ phải bổ sung đủ canxi trong quá trình mang thai và trong suốt quá trình phát triển răng của bé. Thiếu hụt canxi trong quá trình tạo răng là nguyên nhân gây sâu răng. Ngoài ra việc thiếu Canxi trong qua trình mang thai và cho con bú có thể dẫn đến trẻ còi xương chậm lớn, chậm liền thóp, chậm biết ngồi biết đi …

Tham gia vào các phản ứng sinh hóa quan trọng của quá trình trao đổi chất

Tuy lượng Canxi trong máu chỉ chiếm 1% lượng  canxi  trong cơ thể nhưng lại tham gia vào hàng chục chức năng sinh hóa  cực kì quan trọng của cơ thể. Chức năng thường được nhắc đến của canxi là tham gia vào quá trình đông máu, điều hòa nhịp tim, dẫn truyền xung động thần kinh, hấp thu vitamin B12; tham gia vào hoạt động của enzyme tụy trong tiêu hoá mỡ; vào quá trình co cơ…

Dù vậy, việc thiếu hụt canxi trong chế độ ăn lại ít có biểu hiện rõ ràng, vì cơ thể sẽ tự điều tiết bằng cách lấy canxi từ xương hòa tan vào máu để sử dụng. Tuy nhiên,về lâu dài việc này sẽ dẫn đến vấn đề loãng xương, và có thể gây nguy cơ cao các rối loạn chuyển hóa canxi trong cơ thể. Hệ lụy của việc rối loạn chuyển hóa canxi có thể gây ra các triệu chứng như hạ canxi máu, tăng canxi niệu, gai xương hoặc sỏi canxi… Hạ Canxi máu dẫn đến tình trạng co giật, tê bì chân tay thậm chí có thể dẫn tới tử vong do co cơ thanh quản.

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế Giới WHO thì chúng ta nên bổ sung khoảng 1000mg canxi hàng ngày cho cơ thể. Tuy nhiên, theo thói quen ăn uống của đa số người dân ở các nước đang phát triển thì chúng ta chỉ cung cấp khoảng 350mg canxi từ khẩu phần hàng ngày. Vì vậy, nguy cơ loãng xương, sâu răng, hoặc rối loạn chuyển hóa canxi do thiếu hụt canxi từ bữa ăn là rất cao. Nếu bạn cảm thấy cơ thể thường xuyên mệt mỏi, đau nhức xương, hay đơn giản thỉnh thoảng bị co cơ, tê tay, tê chân, chuột rút, … thì có thể bạn đang bị thiếu hụt canxi trong chế độ ăn hàng ngày. Bạn nên bổ sung thêm canxi để hạn chế những vấn đề trên, hay ít nhất cũng giúp giảm nguy cơ loãng xương khi cao tuổi.

( Nguồn st).

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.